Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính (kéo dài) xảy ra khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin. Insulin là một loại hormone được sản xuất trong tuyến tụy, có tác dụng chuyển glucose (đường) từ máu vào các tế bào của cơ thể làm năng lượng. Khi insulin bị thiếu hoặc không hoạt động bình thường, lượng glucose trong máu sẽ tăng lên. Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu cho thấy lượng glucose trong máu cao.
Theo thời gian, mức đường huyết cao (được gọi là tăng đường huyết) có thể gây tổn thương nhiều mô trong cơ thể và dẫn đến các biến chứng sức khỏe đe dọa tính mạng và tàn tật.
Trong bệnh đái tháo đường loại 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Kết quả là, cơ thể không còn có thể sản xuất bất kỳ insulin hữu ích nào nữa. Tại sao điều này xảy ra vẫn chưa được biết hoặc hiểu đầy đủ. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xảy ra ở trẻ em hoặc thanh niên.
Những người mắc bệnh đái tháo đường dạng này cần insulin mỗi ngày để kiểm soát nồng độ glucose trong máu. Nếu không có insulin, bệnh nhân đái tháo đường loại 1 có thể rơi vào 1 tình trạng đe dọa tính mạng nhanh chóng được gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường và có thể không qua khỏi nếu không được điều trị nhanh chóng và đúng cách. Nhưng với việc điều trị bằng insulin hàng ngày, và theo dõi đường huyết thường xuyên, cùng với chế độ ăn uống và duy trì lối sống lành mạnh, những người mắc bệnh đái tháo đường loại 1 có thể có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.
Bệnh đái tháo đường loại 2 là loại bệnh đái tháo đường phổ biến nhất. Nó thường xảy ra ở người lớn nhưng hiện đang gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong bệnh đái tháo đường loại 2, cơ thể tuy có thể sản xuất insulin, nhưng lại đề kháng với insulin, khiến insulin không còn hoạt động bình thường. Theo thời gian, mức insulin có thể trở nên quá thấp để có hiệu quả. Vừa đề kháng insulin và vừa giảm lượng insulin đều dẫn đến lượng đường huyết cao ở bệnh đái tháo đường loại 2.
Không giống như những người mắc bệnh đái tháo đường loại 1, những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 có thể không cần điều trị insulin hàng ngày để sống sót. Phương pháp điều trị cần thiết cho bệnh đái tháo đường loại 2 bao gồm áp dụng kế hoạch ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, quản lý trọng lượng cơ thể và dùng thuốc điều trị đái tháo đường nếu cần. Một số loại thuốc viên cũng như các liệu pháp tiêm như insulin phải luôn có sẵn khi cần thiết để giúp kiểm soát mức đường huyết cho những người mắc bệnh đái tháo đường loại 2.
Đôi khi, mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để đáp ứng các chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Đây được gọi là tiền đái tháo đường và nó khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường loại 2 và bệnh tim mạch.
Nếu bạn được thông báo rằng bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hoặc bị tiền đái tháo đường, hãy biết rằng bạn có thể làm điều gì đó để giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh đái tháo đường loại 2. Việc thực hiện một số thay đổi lối sống ngay bây giờ có thể giúp bạn tránh hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh đái tháo đường loại 2 và các biến chứng sức khỏe khác như bệnh tim mạch. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Khi bạn đã được bác sĩ thông báo rằng bạn bị tiền đái tháo đường, hãy đảm bảo đi xét nghiệm bệnh đái tháo đường hàng năm.1 Và làm theo các hướng dẫn được khuyến nghị để giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường loại 2 chẳng hạn như giảm cân nếu cần, tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Đái tháo đường thai kỳ là một loại bệnh đái tháo đường hoặc lượng đường trong máu cao được phát hiện lần đầu tiên thường là trong ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ mà chưa mắc bệnh đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2 trước đó. Nếu bạn được thông báo rằng bạn bị đái tháo đường thai kỳ, bạn không đơn độc. Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) ước tính vào năm 2017 rằng 1 trong 7 ca sinh trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường thai kỳ.2
Theo dõi mức đường huyết và tuân thủ cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn và con bạn an toàn khỏi các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường thai kỳ. Tin tốt là bệnh đái tháo đường thai kỳ có xu hướng tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, một khi bạn đã mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc lại bệnh này hơn trong lần mang thai sau này. Bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường loại 2 sau này trong cuộc đời.
Nguồn:
¹ Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ. (ADA) Tiêu chuẩn Chăm sóc Y tế trong bệnh đái tháo đường – 2018. Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường 2018; 41, Suppl. 1.
² Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế. (IDF) IDF – đái tháo đường thai kỳ.
Tập bản đồ bệnh đái tháo đường của IDF (Lần xuất bản thứ 8) (2017). Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế: Brussels, Bỉ.